Đồng tiền đi trước là đồng tiền KHÔN?!

Đồng tiền đi trước là đồng tiền KHÔN, đồng tiền đi sau là đồng tiền gì?!

Ai cũng biết rằng đồng tiền không xấu, nó xấu hay tốt phụ thuộc vào người dùng. Nó KHÔN hay ngu phụ thuộc vào người dùng. Đồng tiền hoàn toàn vô tri vô giác. Tại sao chúng ta lại đánh giá nó như đánh giá một con người. Việc đặt hệ quy chiếu một vật vô tri vô giác vào hệ quy chiếu của con người là một việc làm hoàn toàn sai lầm.

Hơn nữa, phạm trù KHÔN hay ngu cũng chỉ mang tính tương đối và chỉ mang tính thời điểm. Có những quan điểm hiện tại là khôn nhưng ngày mai nó là dại, cũng có những quan điểm hôm nay là dại nhưng ngày mai lại là ý tưởng mới ….

Việc tôn sùng đồng tiền, để đồng tiền lên đầu, phong cho đồng tiền danh hiệu này danh hiệu kia là một việc làm hết sức nguy hiểm. Nó phản ánh một xã hội cằn cỗi trong tư duy đánh giá. Nghèo nàn trong cách nghĩ cách làm và xuống cấp về đời sống tinh thần.

Khi một quan niệm sai lầm được lịch sử bao bọc bằng bề dày của nó thì sự tác động tới nhân sinh quan, thế giới quan của những người sống trong xã hội đó chắc chắn bị ảnh hưởng rất nhiều. Hỏi sao người ta hay dùng tiền để giải quyết mọi việc, mặc dù đau lắm, tiếc lắm, xót lắm. Biết là sai đấy nhưng vẫn cố phọt tiền ra trước. Vì ai cũng cho rằng như thế thì mới KHÔN. Và ai cũng muốn KHÔN.

Có hai loại đưa tiền đi trước. Loại 1 là đồng tiền đi trước nghiêng về mặt đầu tư, đầu tư để mang về khoản lớn hơn. Dám chấp nhận rủi ro bỏ tiền ra làm ăn sớm khi người khác còn chần chừ, và loại thứ 2 là dùng tiền để đi đêm, hối lộ, dùng tiền để bôi trơn, dùng tiền để lót đường. …. để đạt được một mục đích gì đó mà lẽ ra đồng tiền không được phép xuất hiện.

Loại thứ nhất thì ít lắm. nó chỉ chiếm 1% bởi đó là những doanh nhân. Nhưng loại thứ 2 thì nhiều vô kể. Từ người có địa vị cao đến người không có địa vị, không phân biệt vùng miền. Ai ai cũng sẵn sàng phọt tiền ra để đạt được mục đích trước mắt của mình, để được KHÔN và ở đời ai chả muốn KHÔN. Vậy nên việc phọt tiền ra càng nhanh hơn người khác thì càng khẳng định mình KHÔN hơn người. Người nào phọt tiền ra trước thì được gọi là “biết thời thế”“. Người đưa tiền thì ít nhưng kẻ nhận tiền thì nhiều lắm. Và kẻ nhận tiền thì lúc nào cũng muốn người đưa tiền càng KHÔN càng tốt.

Thế đồng tiền đi sau chắc là đồng tiền ngu. Còn kẻ không dùng tiền thì chắc là vô cùng ngu.

Thế thì các công ty cho người dùng sử dụng miễn phí dịch vụ của mình như Google hay Facebook là ngu số 1. Vì họ đâu có thu tiền người sử dụng trước khi cung cấp dịch vụ. Như ở Việt Nam ta làm cái gì cũng xằng phẳng trắng phớ, tiền trao cháo múc, bất kì một cái gì cũng đè cổ ra lấy tiền trước. Một con gà gánh 14 loại phí, đi đường mất phí, đi học mất phí, vào viện mất phí, đi vệ sinh công cộng cũng có người ngồi thu phí. …. . thế là nước ta KHÔN nhất thế giới. Mặc dù người nước ta đọc một năm hết nửa cuốn sách. Chắc khôn quá rồi nên không cần đọc sách nữa. KHÔN quá rồi nên không cần học nữa. Đi mua bằng nhanh hơn.

Vì KHÔN như thế nên chắc Việt Nam ta rất giàu có, vì giàu có như vậy nên đụng vấn đề gì cũng thích dùng tiền giải quyết cho nhanh gọn, để đồng tiền lên đầu, anh em trong gia đình đâm chém nhau vì tiền, bạn bè hại nhau vì tiền, bác sĩ sẵn sàng làm chuyện trái với đạo đức nghề nghiệp vì tiền, viên chức nhà nước thì sẵn sàng làm chuyện đồi bại cũng vì tiền…. giờ làm cái gì mà chẳng phải “bôi trơn” bằng tiền. Mà cũng kì lạ thật. Đồng tiền làm được nhiều việc như thế, tiền Việt Nam hữu dụng như vậy, ích lợi như vậy sao giá trị của nó thấp thế nhỉ, đứng thứ 2 từ dưới lên về giá trị đồng tiền. Mâu thuẫn chưa?

Một xã hội trọng đồng tiền, tôn đồng tiền lên trước mọi giá trị cuộc sống là một xã hội tồi tệ. Xã hội tồi tệ bởi những nét văn hóa tồi tệ. Chính chúng ta là người tạo ra nó, thì hãy tìm cách thay đổi nó. Nói chung, ta quá quan trọng sức mạnh của đồng tiền đến nỗi quên đi những giá trị khác của cuộc sống, làm cho gía trị của đồng tiền trở nên sai lệch và đáng ghét.

Và nguy hiểm hơn, mỗi ngày dù vô tình hay cố ý, ta vẫn đang cố truyền lại những nét văn hóa xấu xí này cho các thế hệ sau. Làm sao để ngăn điều đó lại? Làm sao để dạy cho con cái ta rằng cuộc sống còn nhiều giá trị cao đẹp hơn những đồng tiền. Làm sao để cho chúng hiểu tiền bạc chỉ là một thứ công cụ, không phải mục đích, rằng con người nên tìm đến những giá trị nội tâm, hơn là giá trị bên ngoài? Làm sao để cho chúng có thể sử dụng đồng tiền một cách khôn ngoan và hữu ích?

4000 năm phong kiến chúng ta đã sai. Bây giờ chúng ta vẫn sai, chúng ta tự hào là phát triển cái này cái nọ, đổi mới cái này cái kia nhưng thực sự xã hội chúng ta, tư duy và suy nghĩ của chúng ta không khác gì thời phong kiến. Chúng ta như một con kỳ nhông đổi màu để thích nghi với môi trường và tự hào rằng mình biến hóa giỏi nhưng con kì nhông thì nó vẫn là con kì nhông bất kể nó có biến thành mầu gì.

Kiếm tiền là tài năng nhưng tiêu tiền là văn hóa. Tôi sẽ không bàn tới việc tiêu tiền sao cho văn hóa bởi cái gọi là văn hóa cũng phụ thuộc vào quan niệm riêng của từng người. Tôi chỉ muốn mọi người đừng ban cho đồng tiền những thứ quyền lực mà bản thân nó không hề có. Đừng vì tham vọng thấp hèn của mình mà biến đồng tiền vô tri vô giác thành kẻ chủ mưu của bao chuyện đồi bại để rồi lại tìm đủ nguyên nhân để biện hộ. Đừng đem nó ra làm quy chuẩn để đánh giá người khôn kẻ dại, người này người kia. Như thế dốt nát, tối tăm và lố bịch lắm.

0 comments:

Post a Comment