3 câu hỏi về Nghiệp

Hỏi: 1- Nghiệp
Nghiệp là cái gì? Nếu nghiệp là kết quả của hành động, không phải là một chủ thể thì làm sao nó lại tái sinh luân hồi được?

Hỏi: 2- Nghiệp làm sao chui vào bào thai?
Một đứa bé khi mới thành hình, đâu đã làm được gì, đâu đã tạo nghiệp, sao nói nó bị nghiệp dẫn, thế cái nghiệp đó ở đâu ra, làm sao chui vào bào thai được?

Hỏi: 3- Nghiệp lành của Phật
Nếu còn nghiệp thì còn tái sanh thì nghiệp lành của đức Phật vẫn đang phủ khắp thế giới này, sao nói Người đã thoát khỏi luân hồi sinh tử?

Ðáp hỏi 1: Nghiệp

Nghiệp là do lòng ham muốn của con người điều khiển hành động thân, miệng, ý tạo ra, chứ không phải nghiệp là kết quả của hành động thân, miệng, ý. Cho nên chủ thể tạo ra nghiệp là lòng ham muốn của con người.

Trong bốn chân lý của đạo Phật (Tứ Diệu Ðế) thì TẬP ÐẾ đức Phật đã xác định đó là LÒNG HAM MUỐN, nguyên nhân sinh ra đau khổ của con người. Vậy lòng ham muốn là chủ thể điều khiển các hành động nhân quả thiện ác từ ba nơi trong thân, đó là: THÂN HÀNH, KHẨU HÀNH và Ý HÀNH.

Vì thế mới nói nghiệp là do các hành động vô minh của các duyên hợp và các duyên tan trong môi trường sống tạo thành, nên các duyên hợp và các duyên tan trong môi trường sống theo qui luật nhân quả tạo thành, mà chính gốc là lòng ham muốn nó cũng theo qui luật nhân quả làm chủ thể tạo tác ra nghiệp, nhưng các duyên hợp và các duyên tan trong môi trường sống đều là pháp vô thường, còn nghiệp là những từ trường do những hành động thiện ác của các duyên hợp và các duyên tan trong môi trường sống tạo thành nên nó tương ưng với những hành động vô minh thiện ác của môi trường sống mà tiếp tục tái sanh luân hồi nên gọi là duyên hợp tương ưng.

Thân tâm con người là một duyên hợp và cũng là duyên tan của môi trường sống cho nên nó là các pháp vô thường. Nó là các pháp vô thường nên không đi tái sanh luân hồi mà hành động thiện ác của nó phóng xuất ra những từ trường thiện ác huân tập thành một lực vô hình rất mạnh nên kinh sách Phật gọi là nghiệp. Nghiệp ấy tái sinh luân hồi, chứ không phải tâm con người đi tái sanh, vì tâm con người là pháp vô thường như trên đã nói. Khi chết là mất hết không còn một uẩn nào cả.

Ðáp hỏi 2: Nghiệp làm sao chui vào bào thai?

Ðứa bé khi mới thành hình còn trong bụng mẹ là một khối nghiệp cũ hợp duyên thành hình bào thai để trả nghiệp quả, vì thế nó thọ chịu biết bao nhiêu là khổ đau như ở trong bụng mẹ chịu chất nhớt nhao dơ bẩn chật chội cho đến 9 tháng 10 ngày mới xuất thai. Khi xuất thai chịu đau đớn vô cùng và suốt ba bốn năm nằm trên chất bài tiết của mình chịu hôi chịu thối, cha mẹ phải chịu cực khổ nuôi dưỡng cho bú cho ăn, thật là cực khổ trăm bề, đó là trả nghiệp hiện tại của đời trước.

Nghiệp thì không có chui bào thai, nghiệp đâu phải là linh hồn nên gọi là chui vào hay không chui bào thai. Câu hỏi của phật tử đã đặt là sai. Nghiệp chỉ có tương ưng hợp các duyên khác mà tạo thành bào thai. Cho nên đức Phật gọi là duyên hợp chứ không có nói chui vào.

Một đứa bé khi mới hình thành thì đó là hình thành thân ngũ uẩn của đứa bé. Hình thành thân ngũ uẩn gọi là nghiệp mà bào thai là thân ngũ uẩn do các duyên hợp lại tạo thành. Hình thành thân ngũ uẩn của đứa bé là bào thai. Quí phật tử có hiểu không? Bào thai là thân nghiệp. Thân nghiệp này là đứa bé co tay duỗi chân làm theo các hành động vô minh khi bào thai lớn dần trong bụng mẹ nên chật chội khó chịu, vì khó chịu nên co tay duỗi chân khiến cho bà mẹ bị đau đớn, đó là trả nghiệp cả mẹ lẫn con.

Những hành động đó gọi là nghiệp thọ khổ (khổ mẹ, khổ con) Nếu bảo rằng đứa bé mới thành hình đâu làm được gì, đâu đã tạo nghiệp, sao nói nó bị nghiệp dẫn…? Nghiệp không dẫn sao lại nằm trong bụng mẹ? Nghiệp không dẫn sao mẹ lại mang nặng đẻ đau? Nghiệp không dẫn sao cha mẹ lại lấy nhau để có thai nhi? Nghiệp không dẫn sao trai gái gặp nhau lại thương nhau kết làm chồng vợ? Nghiệp không dẫn sao lại mang thai, xuất thai rồi chịu muôn vàn khổ cực nuôi con lớn khôn? Hành động co tay duỗi chân của bào thai không phải là nghiệp sao?

Thân của đứa bé là nghiệp, còn bảo cái nghiệp nào ở đâu nữa. Nghiệp ngay trước mắt đó mà hỏi nghiệp thì cũng giống như một ông già lẫn lộn, đang ở trong nhà mình mà hỏi nhà tôi đâu? Nghiệp không có chui vào bào thai mà nghiệp chỉ có tương ưng với nghiệp của cha mẹ, do hành động của cha mẹ hợp duyên tạo thành nghiệp mới (bào thai). Ở đây không có vật gì chui vào bào thai, mà chỉ có nghiệp tương ưng với nghiệp rồi duyên hợp tạo thành nghiệp mới (đứa bé).

Ðáp hỏi 3: Nghiệp lành của Phật

Nghiệp lành của Phật là vô nghiệp (vô lậu), nên đức Phật đã thoát ra khỏi luân hồi tái sinh. Nghiệp lành của Phật ra khỏi qui luật nhân quả nên nó có một nội lực thâm hậu, do đó nó làm ngược lại qui luật nhân quả. Làm ngược lại qui luật của nhân quả, đó là làm chủ sự sống chết; làm chủ sự sống chết tức là làm chủ nhân quả. Làm chủ nhân quả thì làm sao còn tái sinh luân hồi được.

Nghiệp chia làm 3 loại:

1- Nghiệp ác hữu lậu
2- Nghiệp thiện hữu lậu
3- Nghiệp thiện vô lậu.

Người ở đời thường sống tạo tác ra hai nghiệp thiện hữu lậu và ác hữu lậu.

Riêng đời sống của đức Phật và các đệ tử của đức Phật thường ngăn ác diệt ác, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp vô lậu nên luôn luôn sống trong thiện pháp vô lậu, vì thế từ trường vô lậu không tương ưng với các từ trường hữu lậu của môi trường sống trong thế gian nên chấm dứt tái sanh luân hồi. Cho nên từ trường vô lậu (của đức Phật và các đệ tử của đức Phật) đang phủ trùm khắp thế giới mà không tái sinh luân hồi chỗ nào cả, vì không có đối tượng tương ưng. Không có đối tượng tương ưng nên chấm dứt tái sinh luân hồi.

Vậy nghiệp thiện vô lậu là cái gì? Nghiệp thiện vô lậu là trạng thái tâm bất động thanh thản, an lạc và vô sự, đó là chân lí của Phật giáo, người tu hành đạt đến chỗ này là chứng đạo quả A La Hán, không còn phải tu tập cái gì khác nữa, tuy chưa vào Niết bàn nhưng lúc nào cũng ở trong trạng thái Niết bàn.

Kính thưa quý Phật tử! Chúng tôi cố gắng diễn đạt để quý vị hiểu một chút về sự tương ưng duyên hợp của nhân quả trong môi trường sống trên hành tinh này. Xin quý Phật tử hãy đọc ÐẠO ÐỨC NHÂN BẢN - NHÂN QUẢ thì rõ.

Thăm và chúc quý Phật tử vui mạnh nhớ xả tâm cho thật tốt.

Kính thư,
Trưởng lão Thích Thông Lạc

0 comments:

Post a Comment