Chỉ sau vài ngày được Bộ Xây dựng thẩm định đủ điều kiện sử dụng, khu vực điều trị nội trú của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 tại TP Thủ Đức đã nhanh chóng được chuyển đổi thành Trung tâm hồi sức COVID-19 với quy mô 1.000 giường.
Trong sáng 13-7, lãnh đạo TP.HCM, Bộ Y tế cùng các cơ quan chuyên môn đã khảo sát lần cuối trước khi đưa trung tâm này vào hoạt động.
Nhu cầu hồi sức tăng cao
Ông Tăng Chí Thượng – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho biết điểm thuận lợi nhất của trung tâm này chính là cấu trúc hạ tầng hiện đại có thể hỗ trợ hô hấp một lúc lên đến 1.000 bệnh nhân (bao gồm thở oxy, thở máy không xâm lấn, thở máy xâm lấn).
Tất cả giường bệnh đều có hệ thống oxy trung tâm và hút trung tâm, trong đó có 100 giường chăm sóc đặc biệt có hệ thống khí nén trung tâm, bên cạnh oxy và hút trung tâm. Đây là hạ tầng không thể thiếu để triển khai thở máy cho những bệnh nhân nguy kịch.
Để vận hành trung tâm này, ngành y tế huy động các y, bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định và các bệnh viện đa khoa hạng 1 của TP cùng với đội ngũ do Bộ Y tế điều động từ các tỉnh thành.
“Nhu cầu nhân lực cho khối điều trị hiện tại là rất lớn, ước tính trung bình khoảng 1.000 giường bệnh sẽ cần khoảng 200 nhân lực y tế. Và nguồn nhân lực này vẫn sẽ rất cần trong thời gian tới khi số người mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng cao” – ông Thượng nói.
Trang thiết bị y tế chuyên dùng như máy thở, máy lọc máu, ECMO… cũng đang được huy động từ nguồn lực sẵn có tại các bệnh viện và trang thiết bị được phân bổ từ nguồn tài trợ, chi viện của các tỉnh.
Bệnh viện Chợ Rẫy, 1 trong 4 đơn vị được giao bố trí 300 giường hồi sức tích cực, cũng đang gặp khó khăn trong việc điều phối nhân lực và trang thiết bị máy móc.
TS Nguyễn Tri Thức – giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy – cho biết hiện năng lực tối đa của bệnh viện có thể bố trí khoảng 100 giường hồi sức điều trị bệnh nhân nặng và rất nặng phải thở máy, lọc máu, chạy ECMO.
Trong đợt dịch này, đơn vị đã huy động 181 nhân sự chi viện cho 6 bệnh viện dã chiến và Trung tâm hồi sức 1.000 giường. Các nhân viên đều phải gồng gánh công việc cho nhau, hầu như không ai nghỉ ngơi. Sắp tới đây việc bố trí nhân sự cho 300 giường hồi sức, theo ông Thức, không phải chuyện dễ mà phải “rất căng kéo”.
“Ngoài các vấn đề về cơ chế, hệ thống oxy, khí nén không phải muốn là làm liền được. Hiện chúng tôi đang suy nghĩ đàm phán với Đại học Bách khoa TP.HCM xem có thể sản xuất được hệ thống này trong vài tuần hay không” – ông Thức nói.
Một bác sĩ chuyên về hồi sức cấp cứu đang điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 cho biết lượng ca bệnh có diễn tiến nặng như hiện nay rất đáng lo ngại khi số lượng bác sĩ và máy móc chuyên về hồi sức rất hạn chế.
Theo bác sĩ này, điều trị suy hô hấp hiện chỉ có bác sĩ chuyên hô hấp, nhiễm, hồi sức tích cực là “thuận tay”. Tuy nhiên do thiếu nhân lực, hiện có một số bác sĩ chuyên khoa khác đang được điều động tham gia hồi sức, cấp cứu người bệnh.
Lo lắng không kịp chăm sóc bệnh nhân
Không chỉ ở khối điều trị bệnh nhân nặng cần hồi sức, các bệnh viện dã chiến nơi điều trị cho bệnh nhân nhẹ hoặc không có triệu chứng cũng đang thiếu hụt nhân viên y tế.
Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm – trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện điều trị COVID-19 số 1 đóng tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM – cho biết bệnh viện có khoảng 4.500 bệnh nhân không có triệu chứng nhưng chỉ có khoảng 75 bác sĩ, 120 điều dưỡng.
Trung bình mỗi bác sĩ phải căng mình theo dõi, chăm sóc, điều trị cho khoảng 60 bệnh nhân.
“Nếu so với tiêu chuẩn của một bệnh viện, lực lượng này quá mỏng. Mỗi ngày chúng tôi phải cố gắng thăm khám tối thiểu 2 lần/ngày, ai cũng nỗ lực làm việc hết sức. Nhưng với số lượng nhân viên y tế quá ít, quả thật rất lo lắng không kịp thời gian chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân” – bác sĩ Tâm chia sẻ.
Còn bác sĩ Phạm Gia Thế – phụ trách Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 số 3 – cho biết sau 7 ngày hoạt động bệnh viện tiếp nhận 2.000 ca không có triệu chứng. Từ 25 nhân viên y tế ban đầu, bệnh viện vừa được chi viện 2 lần đến nay nâng tổng số 100 người. Ngoài ra bệnh viện được bố trí thêm 90 dân quân và 10 tình nguyện viên hỗ trợ.
“Bệnh viện rất cần chi viện thêm y bác sĩ mới có thể chăm sóc chu đáo cho người bệnh. Ngoài ra, số bệnh nhân quá lớn nên việc cung ứng các đồ dùng cá nhân cho bệnh nhân vẫn chưa thể đáp ứng” – ông Thế nói.
Trong khi đó bác sĩ Lê Mạnh Hùng – giám đốc Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ – cho biết bệnh viện đang điều trị cho khoảng 600 bệnh nhân và cũng thiếu bác sĩ, điều dưỡng. Bệnh viện điều trị F0 có triệu chứng, thường xuyên vận chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên nhưng hiện không có xe cứu thương, có khi phải đợi vài tiếng mới có xe từ các bệnh viện tiếp ứng.
“Cần Giờ cách xa trung tâm, thời gian di chuyển cũng gần 2 giờ nên nếu tốt nhất phải có một chiếc xe cứu thương để chuyển bệnh nhân trong tình huống khẩn cấp” – ông Hùng đề xuất.
Xem Chi Tiết Ở Đây >>>
Bạn có thể quan tâm:
>> Top 20 đồ gia dụng nhà bếp thông minh giúp nấu ăn dễ dàng
>> Top những món đồ chơi công nghệ được ưa chuộng nhất
>> Trên tay Galaxy A52 5G: Phiên bản nâng cấp với màn hình 120 Hz, chip Snapdragon 750G và thiết kế không đổi
0 comments:
Post a Comment